Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, con đường 3 km này đang phải gồng mình với 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư.
Các dự án nằm trên trục đường này gồm có The Manor, Saigon Pearl, Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, SunWah Pearl và Centennial Bason. Các dự án đều được xếp trong nhóm chung cư trung và cao cấp, trong đó có tổ hợp chào bán căn hộ chung cư với giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Trong hình là dự án Vinhomes Golden River hay còn gọi là Vinhomes Ba Son nằm ở ngay giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng với quy mô lên đến 25,29 ha, được chủ đầu bán ra với giá 100-130 triệu đồng/m2.
Dự án Vinhomes Central Park có giá bán 70-90 triệu đồng/m2 gồm 10.000 căn hộ được xây dựng trên diện tích 43 ha. Trong quy hoạch được phê duyệt ban đầu, dự án Tân Cảng này có sức chứa tối đa là 16.000 người.
Một trong những dự án còn dang dở là khu phức hợp Centennial Bason thuộc phân khúc căn hộ hạng sang với quy mô 46 tầng và 410 căn hộ. Hai mặt của dự án tiếp giáp với đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng, hai mặt còn lại hướng ra sông Sài Gòn và kênh Nhiêu Lộc. Dự án dự kiến bàn giao vào năm 2021. Giá bán của dự án này lên tới 200 triệu đồng/m2.
Việc xây dựng dày đặc các tòa nhà chung cư trên trục đường này đang đẩy cảnh quan đô thị khu vực vào tình cảnh “tắc thở”, làm tăng gánh nặng về cơ sở hạ tầng vốn chưa có lời giải của đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Những khu căn hộ chen chúc tạo nên hình ảnh “rừng bê tông” giữa lòng thành phố.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, từng nói rằng với Zing.vn rằng thực trạng của đường Nguyễn Hữu Cảnh là một bài học đắt giá nhưng không thể sửa chữa.
Hiện nay, phần lớn các căn hộ chung cư sau khi hoàn thiện đã có người ở. Trong khi đó, các căn biệt thự siêu sang lẫn siêu đắt ở hai khu vực Tân Cảng và Ba Son vẫn vắng bóng người. Các biệt thự ở khu vực này đang được rao bán với giá 60-150 tỷ đồng.
Trong khi các khu căn hộ hạng sang chen chúc trên trục Nguyễn Hữu Cảnh thì nhóm người có thu nhập thấp vùng lân cận cũng phải chịu những hệ quả mà quy hoạch dồn nén gây ra.
Có vị trí quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa trung tâm và khu vực phát triển phía Đông thành phố bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức nhưng Nguyễn Hữu Cảnh lại được coi là điểm đen về ùn tắc giao thông và ngập nước.
Được thi công từ năm 1997 và đưa vào sử dụng từ năm 2002, con đường này được kỳ vọng có thể giải quyết được bài toán giao thông cho thành phố, góp phần phát triển đô thị với vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, công trình đã bộc lộ những yếu kém bao gồm sụt, lún, rạn nứt… và những bê bối về sai phạm.
Sở GTVT TP.HCM cho biết đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng trên nền đất yếu, lưu lượng giao thông lớn và tình hình phát triển độ thị quá nhanh dọc hai bên đường nên đã dẫn đến tình trạng xuống cấp, mặt đường lún sâu làm hư hỏng hệ thống thoát nước, gây ngập lụt thường xuyên.
Mặc dù chính quyền và các chuyên gia đã cảnh báo thường xuyên trong những năm gần đây nhưng nhờ vị trí đắc địa, các chủ đầu tư vẫn xem đây là “con đường vàng” để đầu tư những dự án siêu sang.
Là khu vực nổi lên với ánh đèn lung linh về đêm nhưng đằng sau vẻ đẹp kiêu sa ấy, con đường Nguyễn Hữu Cảnh đang phải oằn mình với vấn nạn ngập lụt và tắc nghẽn.
Ngay dưới chân những tòa nhà chung cư đắt đỏ bậc nhất, người dân thành phố vẫn đang đánh vật với tình trạng ngập nước dù có hệ thống “siêu máy bơm” chống ngập do Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho thuê với chi phí 14,2 tỷ đồng/năm.
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng thực trạng đường Nguyễn Hữu Cảnh "có tác dụng cảnh báo cho người dân thông minh hơn trong lựa chọn kế tiếp, cũng như chính quyền cần cân nhắc kỹ hơn trong cấp phép xây dựng các khu chung cư cao tầng".
Trong ảnh, cư dân từ khu chung cư Tân Cảng đổ ra đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo news zing
Đăng nhận xét