Những năm gần đây, nhân sự công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng được nhiều công ty, tập đoàn xây dựng săn đón, thậm chí, được trải thảm đỏ tuyển dụng nhân tài trước khi tốt nghiệp. Nhu cầu cao nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được cả số lượng lẫn chất lượng khiến ngành này luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng!
Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ yêu thích nghề xây dựng và kiến trúc nắm bắt để định hướng tương lai.
“Nhạc trưởng” của mọi công trình
Mọi công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ đều cần một “nhạc trưởng”. Người có thể hiểu cả kiến trúc sư lẫn kỹ sư xây dựng, biết họ muốn gì, cần gì, để kết nối và xóa mờ khoảng cách về chuyên môn, từ đó hiện thực hóa bản vẽ thành một công trình hoàn chỉnh. Người nhạc trưởng ấy chính là các nhân sự công nghệ Kiến trúc và quản lý xây dựng (ATCM).
Các chuyên gia và khách mời thảo luận tại hội thảo "Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng trong bối cảnh toàn cầu hoá".
Họ có thể không có chuyên môn sâu nhất, nhưng là người hiểu rõ tất cả mọi giai đoạn và quá trình xây dựng. Họ làm cầu nối giữa những đồng nghiệp thuộc các chuyên môn khác nhau, nhằm quản lý dự án xây dựng một cách hiệu quả từ mặt thiết kế, xây dựng đến kiểm soát kinh phí, vật tư…
Học ngành công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng (ATCM) người học sẽ được trang bị kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để trở thành chuyên gia về lập kế hoạch, thiết kế kiến trúc, quản lý dự án và điều phối các công trình kiến trúc và xây dựng.
TS.KTS Trần Hoành phụ trách thiết kế công ty HTA+Pizzini, người đã tốt nghiệp kiến trúc sư tại trường đại học Columbia Mỹ, cũng cho rằng: “Trong vận hành dự án xây dựng, nếu thiếu quản lý thì rất dễ hỏng việc. Chúng tôi luôn cần các cộng sự giỏi về quản lý, kinh doanh, kỹ thuật bên cạnh việc am hiểu bản vẽ, thiết kế. Và thực sự rất khó khăn để tìm được nhân sự như vậy.”
Nói về sự cần thiết của ngành này tại hội thảo Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng trong bối cảnh toàn cầu hoá, vừa diễn ra tại TP.HCM, KTS Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc phụ trách châu Á của tập đoàn DE-SO của Pháp, chia sẻ: “Khi kiến tạo một công trình, kiến trúc sư tập trung quá nhiều vào giai đoạn đầu (ý tưởng, thiết kế), kỹ sư xây dựng lại tập trung quá sâu vào giai đoạn sau (thi công). Việc kết nối giữa hai giai đoạn đó cần một lực lượng nhân lực có chuyên môn ATCM”.
Đại diện công ty BSBG - một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại nhiều nước trên thế giới, ông Alan Gander, chung nhận định: “Để một công trình được thiết kế (trên bản vẽ) có thể xây dựng được thì cần một lượng nhân lực chuyển hóa ý tưởng ban đầu thành hiện thực. Nhân lực ngành ATCM sẽ điền vào khoảng trống đó. Đó là những nhân sự có kiến thức tổng hợp để điều phối dự án, am hiểu các khâu từ thiết kế, kiến trúc, kết cấu, cơ điện, hạ tầng, cảnh quan…"
Theo ông Alan Gander, trước đây người ta hay nhắc đến ngành kiến trúc đầu tiên, nhưng hiện nay trong quá trình phân công lao động, ngành Công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng (ATCM) đang đứng ở tuyến đầu để đưa những công trình xây dựng chuyển từ bản vẽ sang thực tế.
Ngành nghề 'hot' nhưng lại thiếu nhân lực trầm trọng
Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án nhà cao tầng, khu công nghiệp, công trình văn hóa, dịch vụ... được đầu tư mạnh mẽ. Đồng thời, ngành xây dựng nước ta cũng trong giai đoạn hội nhập với môi trường xây dựng thế giới với sự góp mặt của ngày càng nhiều công ty, tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Bởi vậy, nước ta “khát” nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, đặc biệt là nhân sự chuyên về ATCM.
Ông Lê Hải, phó tổng Giám đốc công ty FQM, chia sẻ: “Hiện chúng tôi có 300 đến 400 kỹ sư và chuyên gia, và tuyển dụng hàng năm hơn 200 nhân sự. Rất khó tuyển các PM (project mamager) đúng nghĩa vì không có trường nào đào tạo ra ngành này mà chỉ có nghề dạy nghề. Nếu ngành ATCM có phần construction management (quản lý xây dựng) thì nó hỗ trợ gần hết công việc (quản lý) của kiến trúc và xây dựng để cho ra được sản phẩm cuối cùng. Đó cũng chính là vị trí mà chúng tôi luôn tìm kiếm”.
Điều này lý giải vì sao nhân sự công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng được các công ty xây dựng săn đón, thậm chí, được trải thảm đỏ tuyển dụng khi… chưa ra trường. Nhu cầu rất cao, nhưng nguồn cung lại thiếu trầm trọng. Trong hội thảo Nhu cầu nguồn nhân lực ngành ATCM trong bối cảnh toàn cầu hóa, hơn 14 doanh nghiệp đã ký cam kết nhận sinh viên ATCM thực tập và sẵn sàng chào đón sinh viên tốt nghiệp vào làm việc. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, công ty lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Mới đây trường đại học Kiến trúc TP.HCM phối hợp với đại học Bắc Đan Mạch (UCN), mở chương trình đào tạo bậc đại học ngành Công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng. Đây là chương trình đào tạo quốc tế, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, được kiểm định bởi DAI (Tổ chức công nhận giáo dục Đan Mạch), bằng cấp giá trị toàn cầu.
Nội dung chương trình bao quát lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, công nghệ và kinh doanh, với kiến thức đa dạng, toàn diện về các giai đoạn xây dựng một công trình, lựa chọn vật liệu, mô hình kỹ thuật số, khảo sát tình trạng cũng như điều hành một doanh nghiệp, lên kế hoạch tổng thể cho toàn dự án…
Chương trình đào tạo kéo dài 4,5 năm (7 học kỳ), bao gồm: Năm cơ sở (Giai đoạn 1) và chương trình 3.5 năm ATCM (giai đoạn 2). Phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiệu quả trên cơ sở giải quyết vấn đề, đối thoại và trải nghiệm thông qua các dự án thực tiễn. Sinh viên được thực tập toàn thời gian 20 tuần trong môi trường quốc tế.
Sau khi học xong có thể lựa chọn làm đồ án tốt nghiệp tại Việt Nam hoặc nước ngoài.
Việc phối hợp mở chương trình đào tạo ngành với UCN của đại học Kiến trúc TP.HCM có thể coi là cách đón đầu xu thế nhân lực tương tai ngành ATCM.
Nguồn nguoidothi
Đăng nhận xét